Chào bạn!
  • Về Tôi
  • Cộng tác
  • Liên Hệ
  • Cẩm nang du lịch FREE!
  • Trang chủ
  • Điểm đến
  • Kinh nghiệm du lịch
    • Du lịch một mình
    • Du lịch cùng con
    • Du lịch với người lớn tuổi
    • Du lịch tiết kiệm
  • Review
  • Trở thành blogger

Misa Gjone

Blog du lịch châu Âu của Quyên

  • Về Tôi
  • Liên hệ
  • Cộng tác
  • English

Ba Lan · 15/12/2018

Gdansk ký sự | Phần 2: Ở lâu đài lớn nhất thế giới, ăn ngon phải toát mồ hôi và những kế hoạch đổ vỡ

  • Phần 1: Gdansk có gì lạ?
  • Phần 2: Ở lâu đài lớn nhất thế giới, ăn ngon phải toát mồ hôi và những kế hoạch đổ vỡ (bạn đang đọc phần này)

Ngày thứ hai ở Gdansk, tất nhiên là tôi không ghé Bảo tàng Đệ nhị Thế chiến như lời em gái Ba Lan thu ngân “dụ dỗ” (từ giờ viết tắt là bảo tàng WW2 cho lẹ nha) mà bắt xe lửa đi tới thị trấn Malbork – nơi tọa lạc Lâu đài Malbork của các hiệp sĩ dòng Teutonic từ thế kỷ XIII.

Lâu đài Malbork là lâu đài gạch lớn nhất thế giới. Bạn có thể hình dung như sau: Diện tích Tòa thánh Vatican hiện tại chỉ có gấp đôi Lâu đài Malbork thôi đó! Bài viết hướng dẫn chi tiết daytrip đi Malbork từ Gdansk sẽ sớm lên sóng để phục vụ bạn đọc heng. Còn bây giờ là những câu chuyện bên lề. 🙂

Tàu nhanh, tàu chậm và chân đi… rất mỏi!

Theo như tôi tra cứu thông tin trên mạng thì từ Gdansk đi Malbork có ba loại tàu: Tàu local rất chậm (dừng ở hầu hết các ga lớn nhỏ dọc đường), tàu vùng hơi-nhanh-một-chút và tàu nhanh châu Âu (chỉ dừng một trạm duy nhất trước khi tới Malbork).

Cả hai lượt tôi đều mua vé tại quầy bán vé chứ không tài nào mua được từ máy. Lý do tôi sẽ… giải thích trong bài viết tiếp theo, hehe. Ngồi quầy là mấy cô mấy bác già già mập mập, nhìn đúng kiểu nhân viên nhà nước thời bao cấp. Điểm chung của các cô các bác này là… già, nhìn rất khó chịu, và gần như không biết nói tiếng Anh. Có lẽ tiếng Nga hoặc tiếng Đức thì may ra. Tiếng Đức thì tôi không chắc là người nghe… muốn nghe, còn tiếng Nga thì tôi… không biết nói!

Cô cao tuổi Gdansk không nói không rằng, quất ngay cho tôi cái vé tàu nhanh loại mắc nhứt! Ôi cô ơi, con là khách du lịch, nhìn con rất giống sinh viên, mà sao cô nỡ lòng nào! Nhưng cũng may là với loại vé mắc nhứt đó thì cũng chỉ vừa bằng vé từ nhà tôi ở ngoại ô lên thủ đô Oslo, nên tôi vẫn có thể “đỡ” được.

Tàu sang chảnh có khác, có số toa, số ghế, bên trong nhìn trắng trẻo sạch sẽ, hệ thống sưởi chạy phà phà, khoang để hành lý rộng rãi. Nói chung tiền nào của đó.

Ngồi cạnh tôi là hai anh giai Ba Lan nhìn tươi xanh như nồi canh. Bỗng Quyên hắt-xì một cái. Hai anh đồng loạt kêu lên [email protected]£ gì đó. Tôi “sorry?” lại thì mới biết là hai anh “bless you!”

Bỗng Quyên hắt-xì lần thứ hai. Hai anh cũng đồng loạt “bless you” kèm nụ cười tươi trên đôi môi xinh.

Bỗng Quyên hắt-xì lần thứ ba. Tất cả chỉ là sự im lặng đáng sợ…

Trên tàu có bán thức ăn nước uống, kiểu như trên máy bay, tức là có dàn tiếp viên trai xinh gái đẹp kéo khay đi dọc hành lang mời gọi bà con. Có lẽ do khâu tuyển chọn nhân viên đầu vào không kỹ hay sao mà hai bạn nhân viên bán hàng rất “có tâm”, kê ngay hai cái xe đẩy bán đồ ăn thức uống án ngữ ngay hai lối ra của toa tàu, mà phải là ngay lúc tàu ghé trạm mới chịu!

Đoạn này tua nhanh, đại khái là tôi ra khỏi ga, và vì đã chuẩn bị tinh thần từ trước nên tôi bắt taxi đi thẳng một mạch tới lâu đài. Vé cũng đã mua từ trước nên cứ vậy mà cắm mặt đi khám phá thôi.

Khám phá khoảng 2/3 thời gian thì bỗng nhiên một bên đầu gối của tôi đau kinh khủng. Đau tới mức tôi chỉ có thể đi bằng một chân, chân còn lại phải lết theo thân người luôn 🙁 Ôi cảm giác lúc đó sợ ơi là sợ. Lỡ chân mình bị gì thì làm sao mà quay về Gdansk được nữa!!! Cuối cùng thì tôi cũng ráng lết tấm thân ngàn cân này đi hết 3 tiếng đồng hồ trong lâu đài, lết thêm gần 2km về lại nhà ga Malbork nữa.

Tại ga Malbork, tôi “bị” bán cho tấm vé tàu siêu chậm, dừng đâu chừng mấy chục cái ga xép trước khi tới ga chính ở Gdansk. Thôi kệ, xi-cà-que như vậy coi như ngồi trên tàu nghỉ mệt luôn!

Ăn ngon phải toát mồ hôi

Tôi tìm tới Mandu Centrum – một quán bán pierogi được cực kỳ nhiều lời khen và recommendation trên các mặt trận diễn đàn và blog du lịch. Quả thực đúng như lời đồn, quán rất đông, đứng xếp hàng chờ bàn cũng phải bét lắm 15 phút. Bên trong quán thì vừa đông người vừa bật hệ thống sưởi nên chỉ đứng chờ… 1 phút thôi là tôi đã bắt đầu cảm giác như đang được trải nghiệm sauna Ba Lan miễn phí vậy. Đúng là toát mồ hôi theo đúng nghĩa đen luôn!

Cũng may mà pierogi rất ngon, không thì mất công Quyên khẩu nghiệp in English!

Mandu Centrum cực kỳ đông khách. Ngay ngoài cửa có một cửa sổ để khách nhìn vào coi cách người ta làm pierogi bên trong. Coi cũng vui, cho chờ lâu đỡ chán!

Còn toát mồ hôi theo nghĩa bóng là vì tôi đã nếm kha khá nhà hàng và các milkbar ở Gdansk kỳ này. Phải nói là hết hồn với cách phục vụ (đặc biệt là các milkbar theo phong cách bao cấp) và trình tiếng Anh của người dân. Ăn một món thôi mà phải vận dụng hết bao nhiêu phần công lực để giải thích tiếng Anh với người bán, cũng như méo hết cả miệng để gọi món (hên xui) bằng tiếng Ba Lan!

Bạn thấy Quyên hay không? Qua Ba Lan mới mấy ngày mà biết gọi món bằng tiếng Ba Lan luôn là đủ để thấy trình… tiếng Anh của dân ở đây level vô cực rồi heng 😉

Hẳn bạn sẽ muốn có một bài review chi tiết về ẩm thực Ba Lan và các nhà hàng ngon – bổ – nhưng chưa chắc rẻ ở Gdansk phải không? Mời bạn theo dõi trong… một bài viết khác nha 😉

Những kế hoạch đổ vỡ

Ngày cuối cùng ở Ba Lan, tôi có kế hoạch như sau:

  • Sáng từ 09:00 – 10:30: Đi tàu Ngọc Trai Đen tham quan Gdansk trên mặt nước
  • 10:30 – 13:00: Tự đi bộ tham quan vòng quanh phố cổ Gdansk
  • 13:00 – 15:00: Food walking tour đặt miễn phí qua Airbnb
  • 15:00 – 19:00: Bảo tàng WW2

Kế hoạch là một đằng nhưng thực tế là một nẻo khác rất xa nhau! Hãng tàu thì tuần nay… không chạy, mà trên web với page cũng không một lời thông báo hoặc ít nhất là cập nhật giờ tàu mùa đông, làm tôi mòn mỏi đứng chờ tàu ngoài cảng trong cái lạnh tê tái của mùa đông Ba Lan!

Gdansk ký sự phần 2_02
Ông chú già làm việc trên tàu Ngọc Trai Đen chắc thương tình tôi lặn lội đường xa từ… Việt Nam qua mà không đi tàu được nên mở cầu thang cho tôi leo lên mui tàu chụp hình!

Tự đi bộ thì OK rồi, nhưng vấn đề là ở chỗ cái chân xi-cà-que của tôi, sau một đêm nghỉ dưỡng, thì lại bắt đầu dở chứng. Ôi thôi là đau, đau như ông của Hoàng Việt – tác giả bài thơ gì mà “Ông bị đau chân – nó sưng nó tấy – đi phải chống gậy – khập khiễng khập khà” đó. Có điều tôi không có gậy mà chống, phải đi cà lết cà lết giữa phố, điệu bộ thảm thương hết sức!

Gdansk ký sự phần 2_03
Phố xá đep như vầy mà có một con xi-cà-que là tôi lết lết giữa phố, nhìn thiệt bôi bác hết sức!

Gần 13:00, tới giờ hẹn để đi food tour thì… trời đổ tuyết. Tuyết quá xá trời đất nên cặp đôi người Ireland đi chung với nhóm… bèn tới trễ hẳn nửa tiếng. Điều đó có nghĩa là tour sẽ kết thúc chậm nửa tiếng, nếu không có tiết mục đợi nhà hàng bưng đồ ăn lên mà quá fail, trễ thêm nửa tiếng nữa, thành ra tour kết thúc lúc 16:00 thay vì 15:00 như dự định.

Thực sự tôi khá là bất mãn vì kế hoạch của mình bị trớt quớt như vầy. Và tất nhiên tôi trách cứ hãng tàu làm ăn sống nhăn, không cập nhật thông tin đầy đủ cho khách hàng. Tôi trách luôn trời đổ tuyết… không đúng quy trình vì dự báo trời đâu có tuyết. Chắc chắn là cặp Ireland kia không thoát khỏi tinh thần khẩu nghiệp đang dâng cao rồi. Túm lại là kế hoạch một ngày của tôi đã tan tành mây khói!

Quá mệch mõi sau bao nhiêu thứ tổ trác như vậy, cộng thêm cái chưn (ôi cái chưn) nên đi food tour xong tôi về nhà trùm mền viết blog, viết cho tới khi… đói quá bèn vùng dậy… đi ăn đêm.

Golonka kiểu Ba Lan, tương tự như món giò heo nướng mù tạt ở Séc hoặc chân giò (hình như chính xác là đầu gối) nướng kiểu Đức, ăn kèm bắp cải muối chua và tất nhiên là không thể thiếu BIA!

Bữa tối cuối cùng ở Gdansk, tôi tự thưởng một phần golonka ngon bá cháy bọ chét. Ăn xong nhận cái hóa đơn tính tiền toàn tiếng Ba Lan không, đọc không hiểu gì hết, ngoại trừ một câu tiếng Anh DUY NHẤT đọc vô một cái hiểu ngay lập tức: Service not included!

Thông thường tiền boa sẽ là 10%, nhưng thôi vì đang lâng lâng men bia nên Quyên boa luôn 20% cho nó máu. Dù gì cũng là một tối thứ Sáu đẹp trời, và các bạn phục vụ thì thực sự việc rất nặng!

BONUS: Hãng hàng không Delay hân hạnh phục vụ quý khách

Bạn đọc blog chắc đều biết tôi là khách hàng trung thành của Norwegian – hãng hàng không giá rẻ của Na Uy. Tôi cũng thường hay nghe nhiều người than là Norwegian delay ghê quá, không kém gì mấy hãng giá rẻ ở quê nhà, nhưng vì bản thân chưa trải qua nên cũng… không có ý kiến gì.

Cho tới hôm nay, tôi chính thức gia nhập đội hình chờ bay của hãng. Chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 08:55 hiện đang được hoãn vô thời hạn do trục trặc kỹ thuật. Bây giờ là 11:05 phút, Quyên (và một đống hành khách khác) đã quá mệt mỏi và muốn gục ngã. Cảm xúc với loa thông báo hoãn bay đã chai sạn, và ngoài trời thì Ba Lan đang bời bời tuyết trắng!

BÀI VIẾT SIÊU LIÊN QUAN: HƯỚNG DẪN ĐÒI BỒI THƯỜNG KHI BỊ DELAY CHUYẾN BAY Ở CHÂU ÂU VỚI AIRHELP

Mời bạn đón xem loại bài Gdansk ký sự | Phần 3: Những cảm nhận về Gdansk và Ba Lan

Categories: Ba Lan
Tags: chuyện dọc đường, Đông Âu, Gdansk

You’ll Also Love

Tour đi bộ miễn phí ở Prague: Đi hay không đi?
10 điều không thể bỏ lỡ khi đi du lịch Prague
Những câu chuyện về du lịch Hà LanDen Haag, Delft và Hà Lan ngoại truyện

Bình luận

  1. Len Kagami viết

    15/12/2018 lúc 5:00 Chiều

    Có vẻ là một chuyến đi đầy sóng gió ? nhưng cũng nếm trải đủ rồi ha. A đồng ý là cái vụ phục vụ ở Đông Âu tệ. Như VN mình hồi 10-15 năm trước ấy.

    Trả lời
    • Misa Gjone viết

      16/12/2018 lúc 9:25 Chiều

      Chuẩn luôn anh, kiểu bao cấp, mấy cô mậu dịch viên đồ :)) Nhưng được cái rẻ bèo, em đi 4 ngày xài chưa tới € 100 luôn :))

      Trả lời

Leave a Reply Cancel reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Next Post >

Gdansk ký sự | Phần 1: Gdansk có gì lạ?

Chào bạn! Tôi là Quyên “Misa” Gjone, người Sài Gòn và hiện đang sống ở Na Uy.
Blog du lịch của Quyên được thành lập vào ngày 22/05/2016 với mục đích để ghi lại những kinh nghiệm du lịch và các câu chuyện bên lề sau mỗi chuyến đi. Từ năm 2019, blog được định vị lại thương hiệu, trở thành Blog du lịch châu Âu của Quyên.

Save on your hotel - hotelscombined.com

Airbnb Discount

Du ký châu Âu

Trở thành travel blogger

Lưu ý

Một số bài viết trên Blog du lịch của Quyên có xuất hiện link tiếp thị liên kết. Khi click vào link và sử dụng dịch vụ, bạn không phải trả thêm bất chi phí nào, còn Quyên sẽ nhận được hoa hồng cho mỗi giao dịch thành công.

@misagjone

Những thời khắc cuối cùng của mùa Giá Những thời khắc cuối cùng của mùa Giáng Sinh 2020 sắp khép lại, và chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, cả thế giới lại hân hoan chào mừng một năm 2021 với những niềm hy vọng mới.

Trải qua một năm 2020 đầy biến động, Blog du lịch châu Âu của Quyên tất nhiên cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng. Nhưng rồi thì… dù gì thì Trái Đất vẫn phải quay và sau cơn mưa dài thì chắc chắn thế nào cũng có 2 điều xảy ra: trời sẽ lại sáng và… Sài Gòn có thể sẽ ngập nặng!

Ít ngày nữa là qua năm mới 2021. Blog du lịch châu Âu của Quyên cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cho một sự thay đổi mới về mặt nội dung và hình thức. Mong rằng một năm con trâu siêng năng cần cù này sẽ bù đắp cho tất cả chúng ta những gian khó đã trải qua trong năm con chuột.

Nhân những ngày cuối cùng của năm, thương chúc tất cả mọi người một năm mới sắp đến với nhiều niềm vui và hạnh phúc!
The first Christmas Day (25 Dec) at Bygdetunet, Ei The first Christmas Day (25 Dec) at Bygdetunet, Eidsvoll

---

Giáng Sinh ở Na Uy có 3 ngày là 24 (Julaften - Đêm Giáng Sinh), 25 (Ngày Giáng Sinh thứ nhất) và 26/12 (Ngày Giáng Sinh thứ hai).

Năm nay, ngay vào ngày 24/12 thì trời không một bông tuyết, đường xá sạch trơn như kiểu mùa xuân, không hề có chút không khí "white Christmas" chút nào hết. Sáng 25/12 thì trời bắt đầu lạnh dần, mặt đất cũng phủ một lớp sương giá mỏng. Cho tới hôm 26/12 thì hình như cả châu Âu mới đồng loạt đổ tuyết hay sao mà lên FB thấy dân tình khoe tuyết rơi tưng bừng hoa lá!

Hình này được chụp tại khu bảo tàng ngoài trời Eidsvoll Bygdetun ở gần nhà Quyên. Đây là bảo tàng lưu lại những mẫu nhà cổ của người dân Na Uy từ cách đây khoảng 2 thế kỷ, được mang từ khắp Na Uy về và phục dựng lại nguyên trạng.

Mùa hè, chỗ này đông vui náo nhiệt lắm, vì bảo tàng đặt ngoài trời, lại có thêm cả đường trekking, đường đi bộ trong rừng, hồ nước, khu nướng BBQ, bảo tàng, v.v... nên thu hút rất nhiều người địa phương (và đặc biệt là hiếm khách du lịch biết mà tìm mới) ghé tới thăm.

Trong hình là một ngôi nhà cổ, với hàng rào cũng kiểu cổ hồi đó & vẫn còn phổ biến ở thời nay, được dựng bằng thân cây bạch dương xẻ nhỏ. Phía cổng nhà có treo một bó lúa mạch hoặc ngũ cốc, được gọi là julenek (có chỗ gọi là kornnek) để dành cho lũ chim chóc mùa đông có cái mà ăn qua ngày, chờ đến mùa xuân tới.
Từ Hamburg đi Lüneburg (Đức) chưa tới 1 Từ Hamburg đi Lüneburg (Đức) chưa tới 1 tiếng, tàu nhanh 36p còn tàu chậm cũng chỉ 51p thôi, nhưng thành phố nhỏ này mang tới một cảm giác và khung cảnh khác hẳn.

Giờ mùa hè thì Lüneburg chắc đông khách du lịch rồi nên chắc khó lòng mà có được cảm giác quay ngược thời gian lắm. Nếu đi mùa thu - đông có lẽ ít khách, không khí sẽ trầm hơn, dịu dàng hơn, và vì vậy cũng thật hơn một chút chăng?!

Thôi thì hẹn chốn nhỏ dễ thương này một ngày thu khác vậy 😍
Mùa xuân năm ngoái, cả nhà còn vi vu ở L Mùa xuân năm ngoái, cả nhà còn vi vu ở Lüneburg (gần Hamburg, Đức).
Mùa hè năm nay, ở nhà trùm mền chờ… sang năm mới hy vọng được thoải mái đi chơi!

Đức nổi tiếng với những làng cổ và thành phố kiểu như thế này, rất đẹp, thanh bình và lãng mạn. Lần đi Lüneburg thiệt tình là khá "fail", vì là lần đầu tiên cả gia đình 4 người đi chơi xa như vậy, nên Quyên cũng chưa biết phải sắp xếp làm sao khi đi với con nhỏ. Tuy nhiên, ngày hôm sau cả nhà đi Miniaturwelt thì vui hơn rất nhiều. Bài review chi tiết sắp có trên blog. Trong khi chờ đợi, mời mọi người thưởng thức series hình Lüneburg ther ther, mer mer này nha!
Có mấy lần Quyên có nói là chuyến đi S Có mấy lần Quyên có nói là chuyến đi Séc hồi năm 2016 là một trong những cú hích cuối cùng khiến Quyên lập blog du lịch này. 
Nhưng phải nói chính xác là chuyến đi XXX này, gặp gỡ một cô bạn mới người TBN trên cùng chuyến xe bus hôm đó, mới chính là nhân duyên để Quyên về nhà và bắt đầu bắt tay vào làm blog!

Bạn này tên Jema, nhỏ hơn Quyên vài tuổi, nhưng là dân du lịch chuyên nghiệp. Đi tới đâu là Jema tự tay làm riêng cho mình 1 cuốn sổ tay du lịch cực kỳ hoành tráng, bao gồm toàn bộ lịch trình, địa điểm, món ăn blah blah blah cho cả chuyến đi. Làm xong in ra đóng thành cuốn sổ đàng hoàng, chứ không phải in từng tờ giấy rời đâu nha! Cho tới giờ, Quyên vẫn không thể siêng được tới level như dzậy!

Nhưng cũng nhờ ngày hôm đó gặp Jema trên xe bus, rồi cùng cô bạn đi dạo hết XXX trong một ngày (Jema về lại Prague còn Quyên ở thêm 1 ngày nữa) mà bây giờ mình mới có cái blog để ngồi chém gió nè!

XXX là thành phố nào, mời mọi người click vô link bio coi sẽ biết nha 😎
Thời điểm đi Séc, tôi đang trải qua một biến cố rất lớn trong cuộc sống. Tôi đi Séc với lý do đơn giản là muốn ra hỏi nhà, ra khỏi những cảnh vật và đồ vật quen thuộc, qua đó phần nào giúp bản thân mình quên đi những sự việc đau buồn vừa diễn ra trong đời.

Vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên loạt hình tôi chụp hồi đi du lịch Prague chiếm hơn phân nửa là hình đen trắng, chụp bóng đèn cô đơn trên bức tường thành cổ, hay tượng thiên thần trong nghĩa trang chiều mưa…

Tôi biết mình nợ Prague một lời hẹn quay trở lại!
NA UY MÙA TRÁI MỌNG VÀ NẤM RỪNG HAY CÂU NA UY MÙA TRÁI MỌNG VÀ NẤM RỪNG HAY CÂU CHUYỆN NHO NHỎ VỀ BẢO VỆ THIÊN NHIÊN

Ngay trong hình đầu tiên là một loại dâu nhỏ xíu, nhỏ như đầu ngón tay út trên bàn tay con gái vậy, nhưng hương vị thì thơm lừng ngây ngất. Loại dâu này tiếng Anh gọi là wild strawberries, tiếng Na Uy là markjordbær và tiếng Việt là dâu tây dại. Mà đã gọi là dại thì chỉ có nước tự đi vô rừng mà kiếm, chứ làm gì có ai trồng hay bán ở siêu thị đâu mà mua.

Vậy mà hổng hiểu sao vườn nhà Quyên đầy những khóm dâu dại như vầy. Năm nào cũng chỉ cần mang cái rổ nhỏ ra vườn là hái được đầy ắp, tha hồ bốc ăn sống, xay sinh tố hay bỏ vô hộp sữa chua ăn cho đã. 
Dâu dại, cũng như cây cỏ dại, có sức sống và phát triển mãnh liệt. Nó mọc lan ra cả lối đi trong sân, mọc đầy quanh gốc táo gốc phong, quanh hàng rào, mọc luôn xung quanh tường nhà. 
Nếu để cho tụi nó tự do mà mọc thì chẳng mấy chốc mà người không còn lối mà đi trong sân nhà. Nhưng nếu cắt cỏ & cắt luôn cả mấy khóm dâu dại như vầy thì uổng ơi là uổng, tiếc ơi là tiếc. Nhiều khi đi vội, dẫm trúng lên dâu thôi mà đã tiếc đứt ruột rồi, ai mà nỡ kéo máy cắt cỏ "giày xéo" mấy trái dâu thơm mọng kia chớ! 
Từ đầu mùa hè tới giờ, tuần nào cắt cỏ, Quyên cũng cứ đứng tần ngần nhìn mấy đám dâu, xong lại cắn răng cắn lợi mà đẩy máy cho khéo, chừa "tụi nó" ra "riêng một góc trời". Bữa nào cắt cỏ xong cũng muốn trẹo lưng!

Nghĩ lại thấy nhiều khi mấy chuyện vĩ mô như phát triển bền vững, "bài toán bảo vệ thiên nhiên", "bài toán môi trường", bài toán này bài toán nọ, đôi khi nó chỉ đơn giản như cái chuyện cắt cỏ sân nhà. Làm sao để vừa có thể cắt cỏ cho đều và đẹp, vừa phải làm sạch lối đi trong sân, mà vừa để thiên nhiên có thể tự do đâm hoa kết trái một cách có trật tự, quả thiệt là khó hết sức!

Thôi mời mọi người đọc bài chi tiết (link bio) nha!
  • Về Tôi
  • Cộng tác
  • Điều Khoản Sử Dụng

Copyright © 2021 Misa Gjone · Theme by 17th Avenue